CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 20,1-16a
Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Tl 9,6-15
Kinh Thánh gồm đủ loại văn chương. Hôm Nay đây là một “ngụ ngôn”, phần nào nhắc lại ngụ ngôn. “Ech nhái xin một ông vua”, đây là dụ ngôn phản đế chắc chắn các sứ ngôn đã dùng để kết án vương quyền rữa nát và các viên chức kiêu căng áp bức dân tộc nhỏ bé.
Đừng quên ông vua được nhắm tới trực tiếp là Abimelec, con người đã không tìm được gì hơn để dành lấy quyền bính là tàn sát 70 anh em của mình (Tv 9,1-6).
Ngày kia, các cây cối đều đến xức dầu phong một vị vua cai trị chúng.
Vậy, chính các cư dân ở Sikem đã “phong” vị vua bi thảm này cho mình.
Trách nhiệm của thủ lãnh.
Đây là một chọn lựa trọng yếu liên can đến tương lai và hạnh phúc của cả nhóm. Bởi đó, sự lựa chọn này thật là quan trọng. Qua câu chuyện ngụ ngôn tiếp theo dưới hình thức mâu thuẫn, các tính chất của một người hữu trách trọn hảo sẽ hiện rõ chính từ chỗ hổng.
Chúng nói cùng cây Oliu rằng: “Hãy cai trị chúng tôi”, cây Oliu đáp lại rằng: “Chớ thì ta có thể bỏ việc sản xuất dầu mà các thần linh và loài người quen dùng, để được lên chức cai trị cây cối sao?”
Kính trọng Thiên Chúa và loài người.
Không một kiêu căng thống trị.
Đó phải là những phẩm tính đầu tiên của một người hữu trách.
Các cây cối nói cùng cây vả rằng: “Hãy đến cầm quyền cai trị chúng tôi”. Cây vả trả lời rằng: “Chớ thì ta có thể bỏ sự ngọt ngào của ta, bỏ hoa trái ngon lành của ta, để được lên chức cai trị các cây khác sao?”
Thỉnh thoảng người ta phác họa một thủ lãnh phải có những thái độ cứng rắn, xa cách, độc đoán.
Tại sao từ bỏ sự êm dịu và lòng nhân hậu ngọt ngào.
Các cây cối nói với cây nho rằng: “Hãy đến cai trị chúng tôi”. Cây nho đáp rằng: “Chớ thì ta có thể bỏ việc cung cấp rượu là thứ làm cho Thiên Chúa và loài người được vui mừng, để được lên chức cai trị các cây cối khác sao?”
Nên hữu ích, mang lại hoa trái.
Trao tặng hạnh phúc.
Tôi có thể cầu nguyện từ ba hình ảnh đầu tiên này: trái Oliu, trái vả, chùm nho, và nhất là từ những phẩm tính khác nhau được gợi lên ở đây: Nhìn lại các trách nhiệm riêng của tôi. Và cầu nguyện cho các người hữu trách thuộc mọi cấp bậc.
Tất cả những cây cối nói với bụi gai rằng: “Hãy đến cai trị chúng tôi”. Bụi gai trả lời rằng: “Nếu các ngươi thật lòng đặt ta làm vua các ngươi, thì các ngươi hãy đến nghỉ dưới bóng cây ta”.
Hỡi ơi, chính kẻ kém giá nhất trong các kẻ lại nhận! Người ta thấy lời trào phúng.
Chúa Giêsu cũng sẽ nói rằng mọi quyền năng phải được sống như một sự “phục vụ”. Anh em biết những người được coi là thủ lãnh của các nước thì cai trị dân như những bạo chúa, những người làm lớn thì lấy quyền mà áp bức dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm kẻ hầu hạ anh em” (Mc 10,42). Tôi có nỗ lực phát triển khả năng để có thể thực sự mang lấy trách nhiệm tôi đã nhận lãnh không?
Nhưng nếu các ngươi không muốn thì sẽ có lửa từ bụi gai phát ra thiêu hủy các cây hướng nam núi Liban.
Sự đe dọa không hề là một phương cách đúng đắn để cai trị lâu bền được.
Dụ ngôn châm biếm và độc dữ đối với những người làm lớn trong thế giới này muốn diễn tả sự chống đối của những người bé mọn chống lại những người lạm dụng quyền bính để kiếm lợi cho mình. Sự chống đối này không chỉ có cho thời đó.
Bài đọc II: Ed 34,1-11
Tin Mừng, như chúng ta đã nhận xét hôm qua, là kết quả và là sự sung mãn của tất cả truyền thống đạo đức của Israel. Có một số trang đã trực tiếp gợi cảm hứng cho Đức Giêsu. Chẳng hạn, rõ ràng là Đức Giêsu đã có trong trí trang sách này của Eđêkien khi ông này tuyên sấm về các “mục tử xấu” và “mục tử tốt lành” (Ga 10). Về phần chúng ta khi đọc đoạn sách này mà Đức Giêsu đã đọc và chính Người đã suy niệm.
Sấm của Giavê đến với tôi: “Con người hỡi, hãy tuyên sấm trên các mục tử của Israel … Hãy làm các mục tử cho chính mình. Phải chăng mục tử là chăn chiên? Nhưng các ngươi, các ngươi đã uống sữa, đã mặc len, đã làm thịt các chiên béo mập, còn bầy chiên thì các ngươi không chăn giữa”.
Eđêkien nhắm thẳng vào các vua Israel vì họ sử dụng uy quyền cho lợi lộc riêng tư thay vì sử dụng nó để phục vụ công ích. “Các vua chúa của các nước thì cai trị dân như những bạo chúa. Nhưng giữa anh em thì không như vậy được” (Mc 10,42-43).
Tôi có là người phục vụ kẻ khác không? Tôi có là một kẻ lợi dụng ích kỷ luôn đặt lợi ích riêng trước công ích cho dù phải làm thiệt hại người khác. Tôi đã thực thi trách nhiệm của tôi thế nào? Trong nghề nghiệp, gia đình, trong các đoàn thể và hiệp hội mà tôi tham gia?
Các chiên ốm yếu, các ngươi không bồi dưỡng, chiên bệnh hoạn, các ngươi không chạy chữa, chiên xây xát, các ngươi không băng bó. Chiên tản mác, các ngươi không lùa về, chiên thất lạc, các ngươi không tìm kiếm.
Quyền ưu tiên cho người nghèo khổ, cho kẻ yếu hèn, cho người gian truân.
Điều mà Đức Giêsu không bao giờ ngưng làm (Lc 15,4-7; Ga 10).
Thiên Chúa không yêu thương đoàn chiên cách tổng quát, nhưng Người thương yêu từng con chiên một.
Tôi có thể cầu nguyện riêng cho từng người một, từng người mà tôi nhớ trong trí: Phêrô, Phaolô, Tôma, Jacôbê, v.v…
Các chiên của Ta tản mát không người chăn giữ, để nên mồi cho các thú dữ. Bầy chiên Ta lạc loài trên các sườn núi, trên các gò ngỗng mà không ai đoái hoài, không ai tìm kiếm.
Một ngày nào đó, có lẽ chúng ta đã thấy những con chiên lẻ loi, trên núi hay trong chuồng, có thể chúng đã lạc xa bầy: thật nguy hiểm cho chúng, hoặc bị tai nạn hoặc bị thú dữ ăn thịt.
“Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về … và sẽ chỉ có một đoàn chiên” (Ga 10,16). “Đức Giêsu sắp phải chết không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).
Một trong các nhiệm vụ của vị thủ lãnh, của người có trách nhiệm, là gây tạo hiệp nhất để cho mỗi người có cơ hội phát triển trong một cộng đồng, cởi mở trong các liên lạc riêng rẽ với nhau. Đó là lý tưởng của xí nghiệp, của gia đình, trường học và của Giáo-hội … và của mọi cộng đoàn nhân loại.
Nhân vì các mục tử không săn sóc đoàn chiên Ta … Này đây! Ta sẽ đòi lại đoàn chiên Ta … Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên Ta và Ta sẽ săn sóc chúng.
Chính Giavê sẽ lấy lại dân của Người. Đức Giêsu sẽ làm trọn lời tiên tri ấy khi Người nói: “Ta là người mục tử tốt lành”. Thiên Chúa lo lắng săn sóc tôi cũng như săn sóc mỗi một người. Thiên Chúa săn sóc đến tôi … đến mỗi người.
BÀI TIN MỪNG: Mt 20,1-16
Dụ ngôn những “người thợ giờ thứ Mười Một” rất thời danh. Chỉ mình Mát-thêu đã kể lại dụ ngôn đó. Để giải thích dụ ngôn, ta đừng quên quy luật sơ đẳng sau đây:
“Tỷ dụ” (allégorie) là thể văn mà toàn bộ chi tiết đều chuyển sang một ý nghĩa.
“Dụ ngôn” (Parabole), trái lại, là một thể văn cần phải tìm cho được một bài học nòng cốt. Những chi tiết còn lại chỉ làm cho trình thuật thêm thú vị hay khiến người đọc quan tâm chú ý.
Chẳng hạn, rõ ràng Đức Giêsu không muốn ca tụng bất công xã hội, do việc không trả lương cho một công nhân đúng theo việc làm … hoặc thiết lập lương bổng hoàn toàn độc đoán theo tính thất thường của người thuê!
Nước trời cũng giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm vườn nho cho mình.
Toàn bộ phần tiếp theo của trình thuật cho thấy, đây không phải là một ông chủ bình thường. Người ta sẽ không thuê người làm, chỉ một giờ trước khi kết thúc ngày làm việc.
Vườn nho trên đây … đã đặt ta bước vào hướng tìm hiểu biểu tượng: trong toàn thể Cựu ước và do đó cũng đối với các thính giả đầu tiên của Đức Giêsu, thì “vườn nho” của Thiên Chúa, đó là Dân được tuyển chọn, là nơi thực hiện Giao ước (Is 5,1-7).
Vâng, lạy Chúa, Chúa muốn dẫn chúng con vào môi trường của Chúa, vào niềm vui của Chúa.
Ong mướn thợ … khi vừa tảng sáng … rồi vào lúc chín giờ … rồi vào mười hai giờ trưa … rồi ba giờ chiều … và lúc năm giờ chiều (“giờ thứ Mười Một”).
Ta phỏng đoán, ông tuyển thợ không phải vì ông, hay nhắm tới quyền lợi riêng. Đây là một ông chủ quá lo lắng đến tình trạng những người thất nghiệp: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?”
Những người vào làm sau chót lãnh “một quan” … cũng như những người vào làm trước nhất …
Thông thường mà nói, đó là điều không thể tin được.
Nhưng đúng ra, ta không còn nằm trong một câu chuyện thuộc lãnh vực con người nữa.
Ông chủ lạ kỳ trên đây, đầy lòng nhân ái, luôn “ưu đãi những kẻ nghèo nhất” và đặt những “kẻ cuối hết lên hàng đầu” … đó là Thiên Chúa.
Người ta cằn nhằn: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại trả cho họ bằng chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”.
Đối với Thiên Chúa, không có vấn đề đặc ân. Các “dân tộc ngoại giáo”, những khách mời cuối cùng bước vào Giao ước, lại được đối xử ngang bằng với Ít-ra-en, đã được hưởng vườn nho Thiên Chúa sớm hơn. Trong Tin Mừng, có tới hai mươi lần, Đức Giêsu cũng đề cao những người nghèo, những kẻ bị loại bỏ, những kẻ “cuối rốt” như thế.
Này bạn, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn: Chẳng lẽ tôi lại không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra nghen tức?
Đó là bài đọc chủ chốt của dụ ngôn trên. Nếu ta biết đoán ra được ý người viết và không khó chịu trước những chi tiết phụ thuộc, thì đây là bức chân dung tuyệt vời mà Đức Giêsu phác tả cho ta về Cha Người. Đó là:
Một Thiên Chúa yêu thương con người nhất và muốn dẫn con người đến hưởng hạnh phúc của Người.
Một Thiên Chúa đổ tràn ân phúc của Người trên tất cả mọi người, và không ngừng kêu gọi.
Một Thiên Chúa mà lòng quảng đại và nhân hậu không bị “giới hạn” do công nghiệp của ta, nhưng ban tặng rộng rãi, không tính toán …
Một Thiên Chúa gạt bỏ bất kỳ ai dám tự phụ có những đặc ân hay quyền lợi, mà cấm cản kẻ khác tới hưởng dùng …
Dụ ngôn trên giúp ta hiểu một mạc khải vô cùng cốt yếu: Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho ta hoàn toàn nhưng không và không tương xứng với công nghiệp nghèo nàn của con người chúng ta. Chúng ta có thể hy vọng gì, nếu ta chỉ cậy dựa vào sức riêng của mình? Nhưng lạy Chúa, Chúa đã nói với chúng con là hãy trông cậy tất cả nơi lòng “nhân hậu” của Chúa. Con xin tạ ơn Chúa.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Dụ ngôn thợ làm vườn nho
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Ý nghĩa của dụ ngôn: trước hết dụ ngôn muốn nói lên lòng quảng đại của Thiên-Chúa (ông chủ) đối với dân ngoại những kẻ được gọi vào Hội Thánh (vườn nho) vào giờ sau hết (lúc 17 giờ). Đối với những người này, Thiên-Chúa cũng ban cho họ mọi quyền lợi và đặc ân như người Do Thái những kẻ đã được gọi từ đầu (thợ được thuê từ sáng).
Cách đối xử khoan dung và quảng đại này làm cho những người Do Thái bực bội, bởi vì họ tưởng mình bị thiệt thòi, thua kém dân ngoại. Được chọn trước dân ngoại, người Do Thái tưởng rằng Thiên-Chúa phải mắc nợ họ. Những thái độ của những người cằn nhằn ông chủ cũng giống như thái độ của người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện.
Chuyện này còn ngụ ý rằng Thiên-Chúa làm gì cho ai, cũng là bởi tình thương mà thôi: “tôi muốn cho người vào làm vườn sau chót được bằng bạn….”, và người ta phải phải tôn trọng cách xử sự của người: “chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý sử dụng của cải tôi sao?”. kẻ không chấp nhận việc người tỏ tình thương như thế, kẻ ấy mắc tội ghen tỵ. Khi người ta đặt nặng các ơn ban, cũng là hơn chính là đấng thương yêu, thì người ta không yêu mến mà người ta chỉ ích kỷ thôi!
2. Việc ông chủ thuê người làm vườn nho vào những giờ khác nhau: từ tảng sáng đến giờ sau hết của ngày, chứng tỏ vườn nho sai trái cần đến nhiều thợ. Điều này có ý diễn tả: Nước-Trời có nhiều chỗ ở. Thiên-Chúa muốn cứu độ mọi người, vì thế Thiên-Chúa đã tỏ tình thương ưu ái và quan tâm mời gọi mỗi người vào những giờ khác nhau để được hưởng Nước-Trời. đây là mẫu gương cho người Tông Đồ phần rỗi cho mọi người và cho mỗi người trong những hoàn cảnh khác nhau.
3. Những người thợ làm vườn nho: đây là những người thất nghiệp, họ mong được người ta thuê, bởi vì cũng cần phải nuôi nấng gia đình mình. đó là những hình những người sống ngoài gia đình con cái Chúa, họ mong được gia nhập vào Hội Thánh để được sống trong ơn nghĩa Chúa và được bảo đảm sự sống đời đời. Điều này gợi lên trong chúng ta niềm vui hạnh phúc của những người được sống trong nhà Chúa là Hội Thánh, Hội Thánh chăm sóc cho sự sống thiêng liêng để được bảo đảm sự sống đời đời.
4. Những người thợ được thuê làm vườn nho vào những giờ khác nhau: đó là hình ảnh những người được mời vào Hội Thánh qua bí tích Rửa Tội vào những tuổi đời khác nhau. Sống trong Hội Thánh: mọi người đều là con cái Chúa, không phân biệt đạo nòi hay đạo theo, người này hay người kia… chỉ đến giờ phán xét mới phân biệt kẻ lành hay kẻ dữ tùy theo việc họ làm.
5. Đến giờ trả lương: ông chủ trả cho mỗi người: dù làm nhiều giờ hay ít giờ, cũng được một đồng lương. Một đồng lương này là hình ảnh quyền được vào Nước-Trời. như vậy mọi người đều được đón nhận lòng tốt của ông chủ:
- Người làm từ giờ thứ nhất đón được lòng tốt của ông chủ là được thuê từ đầu, không bị thất nghiệp.
Người làm vào giờ chót cũng đón nhận được lòng tốt của ông chủ vì tuy giờ công không tương xứng với tiền công, nhưng ông chủ tốt lành vẫn trả công một đồng như những người khác.
Hình ảnh này diễn tả:
Thiên-Chúa tốt lành với hết mọi người, và như vậy, mọi người đều có thể đón nhận lòng tốt của Thiên-Chúa.
*Tiền lương trả công cho thợ vào cuối ngày đối với những người làm không đủ giờ công, diễn tả rằng: con người được vào Nước-Trời là do lòng tốt của Thiên-Chúa chứ không phải do công lao của mình xứng đáng. Như vậy chúng ta không được tự mãn về những công phúc mình đã là, nhưng phải luôn tin tưởng và trông cậy vào tình thương của Thiên-Chúa để trung tín với Chúa đến cùng.
6. Những người thợ làm từ đầu giờ, vừa lãnh tiền công một đồng, vừa cằn nhằn ông chủ về tính so đo, phân bì và ganh tỵ với những người thợ làm vào giờ sau hết nhưng cũng lãnh được một đồng công! đây là phản ứng giống như một người con cả trong dụ ngôn người con hoang đàng trở về (Lc 15,25-32).
Đó là thói xấu: thiếu lòng quảng đại và muốn chiếm độc quyền Nước-Trời! chúng ta phải có lòng tốt như Thiên-Chúa tốt lành với hết mọi người, kể cả những người tội lỗi.
7. Thiên-Chúa đối xử với người đến trước thế này, với kẻ đến sau thế kia, tiên vàn Thiên-Chúa tỏ lòng thương yêu từng người và để ý hoàn cảnh của từng người.
người Tông Đồ khi phục vụ tha nhân, cần có lòng thương từng người và sự quan tâm đến từng hoàn cảnh của từng người để mưu ích cho từng người.